Hướng dẫn phân tích cơ bản chứng khoán

Bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu được khái niệm phân tích cơ bản chứng khoán là gì? Cũng như hướng đi, cách tiếp cận để có thể phân tích cơ bản một cổ phiếu doanh nghiệp. Đây là một kỹ thuật rất quan trọng đối với một nhà đầu tư chứng khoán thực thụ. Đặc biệt là những nhà đầu tư dài hạn, các tổ chức, các quỹ đầu tư …

Phân tích cơ bản chứng khoán
Phân tích cơ bản chứng khoán

Phân tích cơ bản chứng khoán là gì?

Đây là một kỹ thuật phân tích để xác định giá trị thực (giá trị nội tại) của cổ phiếu của một doanh nghiệp. Dựa trên việc đánh giá các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp, cũng như triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai.

Ở một góc nhìn rộng hơn, chúng ta cũng cần đánh giá cả những yếu tố tổng quan về ngành nghề kinh doanh cũng như cả nền kinh tế nói chung. Phân tích cơ bản giúp chúng ta trả lời các câu hỏi:

  • Doanh thu và lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp có tăng trưởng không?
  • Doanh nghiệp có những lợi thế cạnh tranh gì?
  • Lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp là gì? Triển vọng của lĩnh vực này trong tương lai
  • Giá trị thương hiệu của doanh nghiệp có tốt không?
  • Dòng tiền của doanh nghiệp có tốt không? Doanh nghiệp có khả năng trả nợ không?
  • Tài năng và sự liêm chính của lãnh đạo doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực

Và rất nhiều những câu hỏi khác nữa. Tất cả chúng sẽ trả lời cho chúng ta giá trị thực (nội tại) của doanh nghiệp là như thế nào? Từ đó, xác định được độ chênh lệch giữa giá trị nội tại doanh nghiệp và giá trị thị trường của nó. Qua đó nhà đầu tư xác định được cơ hội đầu tư hoặc chốt lời cổ phiếu.

Hướng tiếp cận để đánh giá giá trị thực (nội tại) của doanh nghiệp

Phân tích cơ bản cần phân tích các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hiện tại và triển vọng kinh doanh tương lai của doanh nghiệp như lợi nhuận, doanh thu, nợ, chất lượng tài sản, giá trị thương hiệu, mô hình kinh doanh  … Các yếu tố cơ bản này có thể được chia làm 2 loại như sau:

Các yếu tố định lượng

Là các yếu tố có thể cân đo đong đếm bằng số liệu, dữ liệu trong các báo cáo tài chính như:

  • Kết quả kinh doanh:
    • Doanh thu
    • Giá vốn hàng hoá
    • Lợi nhuận gộp
    • Lợi nhuận tài chính
    • Tổng lợi nhuận trước thuế …
  • Tài sản:
    • Tổng tài sản lưu động ngắn hạn
    • Tổng tài sản
    • Nợ ngắn hạn
    • Tổng nợ
    • Vốn chủ sở hữu
  • Chỉ số tài chính:
    • EPS
    • BV
    • PE
    • ROA
    • ROE
    • ROS
    • GOS
    • DAR
  • Ngoài các số liệu trên, chúng ta có thể quan tâm đến:
    • Giá cả nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra (Chẳng hạn nếu sản xuất thép mà giá quặng sắt rẻ, giá thép thành phẩm cao thì doanh nghiệp sẽ cực kỳ có lãi trong hiện tại và tương lai)
    • So sánh kết quả kinh doanh và hiệu quả kinh doanh so với các doanh nghiệp cùng ngành

Từ những con số trên qua các quý và các năm, đánh giá được hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, sự tăng trưởng doanh thu lợi nhuận của doanh nghiệp cũng như sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp đó.

Các yếu tố định tính

Các yếu tố định lượng lấy từ những số liệu cụ thể trong báo cáo tài chính, nhưng báo cáo tài chính thường nó có độ trễ. Do các báo cáo tài chính quý, báo cáo năm của doanh nghiệp đều được tạo ra sau khi hoạt động kinh doanh quý đó, năm đó đã diễn ra. Thì các yếu tố định tính lại là những thứ không phải có con số, số liệu cụ thể mà nó thể hiện tính chất và chất lượng của doanh nghiệp như:

  • Mô hình kinh doanh của doanh nghiệp
  • Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, thị trường, thị phần
  • Giá trị thương hiệu của doanh nghiệp
  • Sự minh bạch và tài năng của lãnh đạo doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực
  • Chất lượng quản trị doanh nghiệp
  • Triển vọng kinh doanh của lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai

Qua đó chúng ta có thể đánh giá:

  • Điểm mạnh của doanh nghiệp
  • Điểm yếu của doanh nghiệp
  • Cơ hội của doanh nghiệp
  • Thách thức của doanh nghiệp

Phương pháp phân tích top-down

Để có một cái nhìn hoàn thiện nhất về cổ phiếu của doanh nghiệp, chúng ta nên dùng phương pháp phân tích top-down. Tức là ta sẽ phân tích doanh nghiệp từ các yếu tố vĩ mô đến các yếu tố vi mô ảnh hưởng đến cổ phiếu bao gồm:

  1. Phân tích các điều kiện kinh tế vĩ mô: có thuận lợi cho nền kinh tế tăng trưởng không
  2. Phân tích thị trường tài chính chứng khoán: thị trường đang trong giai đoạn nào? Uptrend/Downtrend hay Sideway. Thực tế chúng ta chỉ có thể dễ dàng tìm kiếm lợi nhuận trong thị trường uptrend mà thôi.
  3. Phân tích ngành mà công ty hoạt động: nhu cầu của thị trường có tốt vào thời điểm hiện tại không? Và triển vọng tương lai nó có tiếp tục phát triển không?
  4. Phân tích công ty: từ các yếu tố định lượng và định tính
  5. Phân tích cổ phiếu: so sánh thị giá của cổ phiếu so với giá trị thực (giá trị nội tại) ước tính, tính thanh khoản của cổ phiếu có tốt không?

Qua đó, nhà đầu tư có thể xác định được cổ phiếu có phải là cơ hội đầu tư tốt hay không? Hay là cần phải bán chốt lời cổ phiếu đó.

Ưu điểm của phân tích cơ bản

Một khi xác định được doanh nghiệp là một doanh nghiệp có các yếu tố cơ bản tốt cũng như giá trị thực của doanh nghiệp cao hơn nhiều so với giá thị trường của cổ phiếu thì việc đầu tư vào doanh nghiệp thật dễ dàng phải không? Chúng ta sẽ:

  • Không còn cảm thấy nghi ngờ việc đầu tư của mình vì có nhiều bằng chứng xác thực từ những con số thực tế
  • Cảm thấy yên tâm khi đầu tư vào doanh nghiệp, mặc kệ biến động ngắn hạn về giá cổ phiếu
  • Có thể đầu tư với lượng vốn đầu tư lớn

Nhược điểm của phân tích cơ bản

  • Không tối ưu được thời gian nắm giữ cổ phiếu. Có thể sẽ phải nắm giữ cổ phiếu rất lâu trước khi giá trị của cổ phiếu nó tăng lên bằng giá trị thực (nội tại) của nó
  • Không tối ưu được giá mua vào

Những nhược điểm này sẽ được giải quyết nếu chúng ta kết hợp phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật.

Qua bài viết hướng dẫn phân tích cơ bản chứng khoán, tôi đã đưa cho các bạn phương hướng và cách tiếp cận phân tích cơ bản. Ở các bài viết tiếp theo, tôi sẽ đi sâu vào từng vấn đề và giải nghĩa chi tiết ý nghĩa và cách phân tích từng chỉ số tài chính quan trọng trong phân tích cơ bản.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyển lên trên