Việc đánh giá các chỉ số tài chính trong chứng khoán rất quan trọng trong phân tích cơ bản cổ phiếu doanh nghiệp. Nó giúp đánh giá cổ phiếu dựa trên các yếu tố định lượng. Mặt khác, những con số trong báo cáo tài chính nếu đứng riêng rẽ ra thì thường không mang nhiều ý nghĩa. Nên cần kết hợp chúng với nhau tạo ra các chỉ số tài chính. Nhờ những chỉ số tài chính này, chúng ta có thể quan sát sâu hơn vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đánh giá mức độ rẻ hay đắt của cổ phiếu.
Trong bài viết này, tôi sẽ tổng hợp lại những chỉ số tài chính quan trọng nhất trong đầu tư chứng khoán. Cung cấp cho các bạn những hiểu biết cơ bản, cách tính cũng như ý nghĩa của chúng.
Mục lục
- 1 Tỷ số thanh toán hiện hành – Current ratio
- 2 Tỷ số thanh toán nhanh – Quick ratio
- 3 Tỷ số thanh toán bằng tiền mặt – Cash ratio
- 4 Thu nhập trên cổ phần – EPS
- 5 Chỉ số P/E
- 6 Giá trị sổ sách cổ phiếu – BV hay BVPS
- 7 Chỉ số P/B
- 8 Tỷ suất sinh lời trên tài sản – ROA
- 9 Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu – ROE
- 10 Tỷ suất lợi nhuận thuần – ROS
- 11 Biên lợi nhuận gộp – GOS
- 12 Chỉ số hệ số nợ – DAR
Tỷ số thanh toán hiện hành – Current ratio
Cách tính
Current ratio = (Tài sản ngắn hạn) / (Nợ ngắn hạn)
Ý nghĩa
Tỷ số ngày cho biết khả năng của công ty có thể dùng các tài sản ngắn hạn (tiền và các khoản tương đương tiền, hàng tồn kho, các khoản phải thu) để chi trả cho các khoản nợ ngắn hạn hay không. Nếu tỉ số này bé hơn 1, thì công ty đó không có khả năng trả được các khoản nợ ngắn hạn. Để đảm bảo năng lực trả nợ ngắn hạn của công ty thì tỷ số này phải lớn hơn 1. Tối nhất là trong khoảng 1 đến 2, vì nếu tỷ số này cao quá thì có nghĩa là công ty chưa sử dụng hết hiệu quả vốn của mình.
Tỷ số thanh toán nhanh – Quick ratio
Cách tính
Quick ratio = (Tiền và các khoản tương đương tiền + khoản đầu tư ngắn hạn + các khoản phải thu)/(Nợ ngắn hạn)
Ý nghĩa
Tỷ số này cho biết doanh nghiệp có khả năng trả các khoản nợ ngắn hạn bằng các tài sản có tính thanh khoản cao (như tiền và các khoản tương đương tiền, các khoản phải thu, và các khoản đầu tư ngắn hạn) hay không. Chỉ số này cần lớn hơn 0.5 mới chấp nhận được.
Tỷ số thanh toán bằng tiền mặt – Cash ratio
Cách tính
Cash ratio = (Tổng các khoản tiền và tương đương tiền)/(Nợ ngắn hạn)
Ý nghĩa
Tỷ số này cho biết khả năng trả nợ ngắn hạn của doanh nghiệp bằng tiền và các khoản tương đương tiền đến đâu. Tiền và các khoản tương đương tiền là tài sản giúp doanh nghiệp có thể trả nợ được ngay và có tính thanh khoản cao nhất.
Thu nhập trên cổ phần – EPS
Định nghĩa
EPS (Earning per share) là lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu thường sau khi đã trừ đi cổ tức ưu đãi. EPS càng cao thì khả năng sinh lợi của doanh nghiệp càng cao.
Có 2 loại chỉ số EPS như sau:
Chỉ số EPS cơ bản
Định nghĩa: chính là định nghĩa của EPS đã nói ở trên
Cách tính:
EPS = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức ưu đãi)/(Lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành trong kỳ)
Chỉ số EPS pha loãng
Định nghĩa: EPS pha loãng (Dilluted EPS) là chỉ số bổ sung của EPS nhằm tránh rủi ro pha loãng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu do doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ưu đãi, EOSP, trái phiếu chuyển đổi, quyền mua cổ phiếu.
Cách tính:
Dilluted EPS = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức ưu đãi)/(WASO + CDS)
WASO (Weighted Average Shares Outstanding): Lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành trong kỳ
CDS (Conversion of Dilutive Securities): Lượng cổ phiếu có thể chuyển đổi từ các chứng khoán có thể chuyển đổi như chứng quyền, quyền chọn, …
Chỉ số P/E
Cách tính
P/E = P / EPS
P (Price): Giá cổ phiếu tại thời điểm đang đánh giá
Ý nghĩa
P/E thể hiện giá thị trường của cổ phiếu cao hơn bao nhiêu lần so với lợi nhuận thu được trên mỗi cổ phiếu vào kỳ báo cáo gần nhất. Như vậy là P/E càng thấp thì có nghĩa là cổ phiếu càng rẻ so với lợi nhuận thu được từ mỗi cổ phiếu của doanh nghiệp. Còn P/E càng cao có nghĩa là nhà đầu tư đang kỳ vọng vào mức độ tăng trưởng của lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng nhanh trong tương lai.
Giá trị sổ sách cổ phiếu – BV hay BVPS
Định nghĩa/Cách tính
BV (Book value) hay BVPS(Book value per share): Giá trị sổ sách của một cổ phiếu
BV = (Tổng tài sản – Tài sản vô hình – Nợ)/(Tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành) = (Vốn chủ sở hữu – Tài sản vô hình)/(Tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành)
Ý nghĩa
Chỉ số BV được dùng để tính giá trị của một cổ phiếu theo số liệu trên sổ sách. Nhà đầu tư có thể so sánh BV với thị giá hiện tại của cổ phiếu để xem xét tính đắt rẻ của cổ phiếu so với giá trị trên sổ sách.
Chỉ số P/B
Định nghĩa/Cách tính
P/B = (Price/Book Value) là tỷ số giữa giá thị trường của cổ phiếu trên giá trị sổ sách của cổ phiếu.
Ý nghĩa
Chỉ số P/B dùng để so sánh giữa thị giá của cổ phiếu so với giá trị sổ sách của cổ phiếu. Nếu P/B < 1 thì có nghĩa là giá trị thị trường đang bé hơn giá trị trên sổ sách của cổ phiếu.
Tỷ suất sinh lời trên tài sản – ROA
Định nghĩa/Cách tính
ROA (Return on Assets): là tỷ số của lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản.
ROA = (Lợi nhuận sau thuế)/(Tổng tài sản)
Ý nghĩa
Chỉ số này giúp đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà không cần quan tâm đến cấu trúc tài chính của doanh nghiệp. Tỷ số này thể hiện rằng doanh nghiệp tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận từ một đồng tài sản. Ta có thể so sánh tỷ số này của doanh nghiệp với các doanh nghiệp cùng ngành để đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu – ROE
Định nghĩa/Cách tính
ROE (Return on Equity): Là lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu
ROE = (Lợi nhuận sau thuế)/(Vốn chủ sở hữu)
Ý nghĩa
Đây cũng là một chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Chỉ số này cho chúng ta biết rằng doanh nghiệp tạo ra bao nhiêu lợi nhuận từ một đồng vốn chủ sở hữu. Ta có thể so sánh tỷ số này của doanh nghiệp với các doanh nghiệp cùng ngành để đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Tỷ suất lợi nhuận thuần – ROS
Định nghĩa/Cách tính
ROS (Return on Sales): Là tỷ số lợi nhuận trên doanh thu
ROS = (Lợi nhuận sau thuế)/(Doanh thu thuần)
Ý nghĩa
Chỉ số này cũng giúp đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Nó cho biết một đồng doanh thu thuần thì tạo ra bao nhiêu lợi nhuận. ROS càng cao thì doanh nghiệp càng hoạt động hiệu quả.
Biên lợi nhuận gộp – GOS
Định nghĩa/Cách tính
GOS (Gross on Sales): Tỷ số lợi nhuận gộp trên doanh thu thuần
GOS = (Lợi nhuận gộp)/(Doanh thu thuần) = (Doanh thu thuần – Chi phí vốn hàng hoá)/(Doanh thu thuần)
Ý nghĩa
Chỉ số này cũng là một chỉ số để đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ số càng cao thì lợi nhuận doanh nghiệp càng cao, chi phí vốn hàng hoá của doanh nghiệp càng thấp.
Chỉ số hệ số nợ – DAR
Định nghĩa/Cách tính
DAR là chỉ số nợ trên tài sản
DAR = (Tổng nợ)/(Tổng tài sản)
Ý nghĩa
Tỷ số DAR đo lường năng lực quản lí và sử dụng nợ của doanh nghiệp. Tỉ số càng thấp thì khả năng trả được nợ của doanh nghiệp càng cao. Thông thường thì người cho vay sẽ thích những doanh nghiệp có DAR thấp. Nhưng cổ đông thì thích DAR cao để có thể tối ưu được vốn và gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Tỷ số DAR của một công ty muốn biết là cao hay thấp cần được so sánh với bình quân trong ngành. Thông thường DAR ở mức 60/40 là có thể chấp nhận được.
Tôi vừa giới thiệu xong với các bạn các chỉ số tài chính quan trọng nhất trong chứng khoán, mọi người có thể dễ dàng xem chúng trên cafef.vn nếu tra thông tin của một cổ phiếu nào đấy:
Ngoài ra còn rất nhiều chỉ số khác nhưng tôi không tiện nêu ra ở đây vì sợ các bạn sẽ bị lạc vào ma trận. Trong những bài viết sắp tới tôi sẽ đi sâu vào phân tích từng chỉ số, đánh giá xem chỉ số đó bao nhiêu mới tốt? Qua đó từng bước một chúng ta có thể đánh giá được sự chênh lệch giữa giá trị thực của cổ phiếu doanh nghiệp so với thị giá của cổ phiếu đó.