Bài viết này sẽ giải thích cho các bạn hiểu rõ về chỉ số P/E là gì? Và tất cả những vấn đề liên quan đến chỉ số P/E. Đây là một chỉ số quan trọng được sử dụng để định giá cổ phiếu.
Mục lục
Chỉ số P/E là gì?
Chỉ số P/E, hay hệ số P/E, tỉ số P/E là viết tắt tiếng anh của từ Price to Earning ratio. Nó là chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường cổ phiếu và lợi nhuận thu được trên một cổ phiếu.
Cách tính chỉ số P/E
P/E = Price/EPS
Trong đó:
Price: là giá thị trường của cổ phiếu
EPS: là thu nhập trên một cổ phiếu. Tham khảo: Chỉ số EPS là gì?
Phân loại chỉ số P/E
Có 2 loại hệ số P/E:
Trailing P/E
Trailing P/E là được tính toán nhờ lấy thu nhập của 4 quý liên tiếp trước đó. Mặc định khi nói tỉ số P/E có nghĩa là trailing P/E.
Forward P/E
Forward P/E hay còn gọi là P/E dự phóng, được tính toán dựa trên dự báo thu nhập của 4 quý tiếp theo. Nếu P/E dự phóng thấp hơn hiện tại, hay dự báo thu nhập 4 quý tiếp theo tăng trưởng tốt so với hiện tại, thì đó có thể là một cơ hội đầu tư tốt cho nhà đầu tư.
Cách xem nhanh chỉ số P/E
Bạn có thể xem nhanh chỉ số P/E ở trên trang cafef.vn hay finance.vietstock.vn. Ví dụ về cổ phiếu SSI trên cafef:

Ý nghĩa của chỉ số P/E
Chỉ số P/E có ý nghĩa chung rằng nhà đầu tư sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cho một đồng lợi nhuận thu được của công ty. Hay nói cách khác, nói lên bao nhiêu năm đầu tư vào cổ phiếu thì nhà đầu tư sẽ hoà vốn nếu lợi nhuận không đổi.
Ý nghĩa nếu chỉ số P/E thấp
- Doanh nghiệp ăn nên làm ra khiến lợi nhuận gia tăng. Lợi nhuận tăng giúp chỉ số EPS tăng, khiến P/E thấp. Lúc này doanh nghiệp được coi là định giá thấp. Và chúng ta có thể mua vào cổ phiếu để đầu tư.
- P/E thấp cũng có thể do doanh nghiệp thu được lợi nhuận bất thường. Ví dụ như bán tài sản chẳng hạn. Và khoản lợi nhuận này không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và sẽ không lặp lại trong năm tiếp theo.
- Có thể nhà đầu tư không thấy triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp tốt nên đã bán chốt lời cổ phiếu, khiến giá cổ phiếu giảm. Giá cổ phiếu giảm khiến P/E thấp. Trường hợp này thì P/E thấp nhưng cổ phiếu không được coi là rẻ nữa.
Ý nghĩa nếu chỉ số P/E cao
- Có thể doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả khiến lợi nhuận giảm. Lợi nhuận giảm khiến chỉ số EPS giảm. Qua đó khiến P/E của doanh nghiệp cao.
- Có thể doanh nghiệp đang bị định giá cao, giá cổ phiếu đang cao so với giá trị thực.
- Có thể do triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của công ty rất tốt trong tương lai. Từ đó giúp cho P/E dự phóng sẽ thấp. Do vậy nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao để mua cổ phiếu vào thời điểm hiện tại.
Chỉ số P/E như thế nào là tốt?
Thật sự là khó khi nói một công ty có P/E như thế nào là tốt nếu chỉ đặt chỉ số P/E đứng một mình. Mà chúng ta phải kết hợp với chỉ số P/E của toàn ngành, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của công ty, kết hợp với các điều kiện kinh tế vĩ mô như lạm phát, lãi suất, …
- So sánh 2 doanh nghiệp trong cùng ngành: P/E càng thấp càng tốt. Một doanh nghiệp tốt nên có P/E thấp hơn P/E trung bình ngành. Bạn có thể vào trang vn.investing.com để xem chỉ số P/E của ngành. Ví dụ xem P/E trung bình ngành của cổ phiếu VND:

Bạn có thể thấy hệ số P/E của VND là 10.06, thấp hơn nhiều so với P/E trung bình ngành là 18.46. Như thế này là rất tốt.
- Cần so sánh P/E của chính doanh nghiệp đó trong quá khứ. Nếu P/E của năm sau mà thấp hơn so với năm trước đó có nghĩa là cổ phiếu đó đang rẻ hơn, hoặc doanh nghiệp đó đã tăng trưởng về lợi nhuận tốt trong năm sau. Ví dụ về P/E của VCB vào năm 2018:

Năm 2018, P/E chỉ là 13.18, thấp hơn nhiều so với năm 2017 là 21.49. Và sau đó giá của VCB đã tăng mạnh từ 52.7 cuối năm 2018 lên 90.2 vào cuối năm 2019.
- Doanh nghiệp tăng trưởng có nhanh hay không? Hay nói cách khác, lợi nhuận dự phóng trong tương lai có tốt hay không. Nếu doanh nghiệp liên tục tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận qua các năm, và dự phóng giữ vững đà tăng trong năm tiếp theo. Thì dù P/E cao nhưng nhà đầu tư vẫn sẵn sàng mua cổ phiếu của doanh nghiệp đó.Ví dụ với cổ phiếu VNM, chỉ số P/E luôn cao so với trung bình toàn thị trường những năm từ 2015-2018:

Từ năm 2015 – 2017, P/E của VNM luôn ở mức cao (từ 21 đến 33) so với trung bình toàn thị trường (tầm 15-18), nhưng sự thực chứng tỏ rằng đầu tư vào cổ phiếu VNM vào thời gian từ 2015-2017 là hoàn toàn chính xác. Đơn giản là tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của VNM qua các năm quá tốt. Dẫn đến kỳ vọng của nhà đầu tư vào VNM khá cao, khiến thị giá của VNM vẫn tăng trưởng mạnh qua các năm.
- Nếu bỏ qua các yếu tố trên, bạn cần xét đến lãi xuất ngân hàng. Chỉ số P/E nên bé hơn 1/(lãi suất ngân hàng). Ví dụ: nếu lãi suất ngân hàng là 6.5%. Thì P/E nên bé hơn 15.38 mới tốt. Thông thường P/E từ 5-12 là tốt rồi.
- Hai doanh nghiệp cùng ngành, cùng tốc độ tăng trưởng, cùng điều kiện kinh tế, xã hội thì P/E càng thấp càng tốt. Doanh nghiệp P/E càng thấp thì rủi ro đầu tư vào càng ít.
Định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E
Hệ số P/E là một chỉ số quan trọng để định giá cổ phiếu. Các bước định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E như sau:
- Xác định P/E trung bình ngành của cổ phiếu đó. Ví dụ với VND là 18.48.
- Xác định EPS dự phóng trong năm nay. Ví dụ với VND thì EPS dự phóng năm 2021 là 4500 vnđ.
- Tính giá hợp lý của cổ phiếu theo công thức sau:
P = (Forward EPS) * (P/E trung bình ngành)
Trong đó:
P: giá hợp lý của cổ phiếu
Forward EPS: EPS dự phóng
Quay lại ví dụ với VND, giá hợp lý của VND trong năm nay là P = 4500 * 18.48 = 83160 vnđ.
Chú ý: mọi ví dụ trong bài viết này chỉ là ví dụ cho mọi người dễ hiểu, không phải là khuyến nghị mua và bán. Và có thể thời gian và số liệu viết trong bài viết này nó đã không đúng với thời điểm bạn đọc bài viết này.
Ưu nhược điểm của phương pháp định giá theo P/E
Ưu điểm
P/E là một chỉ số đơn giản và dễ tính toán, dễ áp dụng hiệu quả.
Nhược điểm
- EPS có thể âm, và P/E không có ý nghĩa kinh tế khi mẫu số âm
- Lợi nhuận có thể bị bóp méo, hoặc do doanh nghiệp ghi nhận những khoản thu đột xuất nhưng không phải từ mảng kinh doanh cốt lõi (bán tài sản, thoái vốn …). Dẫn đến khi tính P/E có thể bị sai.
- Nếu thị trường đang bị đẩy lên quá cao, thì khi định giá cổ phiếu theo P/E cũng không chính xác nữa, do P/E ngành cũng đã bị đẩy lên cao. Dẫn đến giá trị tính được có thể là giá trị ảo, cao bất thường.
- Việc so sánh tương đối giữa các doanh nghiệp cùng ngành cũng chỉ là tương đối. Vì mỗi doanh nghiệp có cấu trúc quản lý, cơ cấu doanh thu khác nhau, thị trường khác nhau, … Nên việc so sánh như vậy nó cũng dễ bị khấp khiểng.
Như vậy qua bài viết trên, tôi đã trình bày các hiểu biết của bản thân về chỉ số P/E là gì? Cách tính chỉ số P/E? Ý nghĩa của chỉ số P/E. Chỉ số P/E như thế nào là tốt? Cách định giá cổ phiếu theo chỉ số P/E. Và ưu nhược điểm của phương pháp này.
Mọi người cần tư vấn, hỗ trợ đầu tư có thể liên hệ với tôi, Mr Vũ Tuấn qua:
- Sđt/zalo: 0923390138
- Facebook: https://www.facebook.com/vutuan1368
- Fanpage: https://www.facebook.com/daututheoxuhuong/
- Room zalo chia sẻ chứng khoán: https://zalo.me/g/gwnjlv373
- Telegram: https://t.me/+iL81Kk5XAIFiNzk1