Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu tổng quan về phân tích kỹ thuật chứng khoán. Phân tích kỹ thuật được áp dụng rộng rãi không chỉ trong đầu tư chứng khoán, mà còn trong giao dịch cái loại hàng hoá (dầu, vàng, cafe …), giao dịch các cặp tiền (forex), giao dịch tiền mã hoá(cryptocurrency). Nó giúp xác định điểm mua, điểm bán, xu thế của đường giá, giúp tối ưu thời gian nắm giữ mặt hàng cũng như tối ưu lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Nếu ai lười đọc có thể xem video dưới đây:
Mục lục
- 1 Các trường phái đầu tư chứng khoán
- 2 Phân tích kỹ thuật là gì?
- 3 Triết lí của phân tích kỹ thuật
- 4 Các thuộc tính và tính chất của phân tích kỹ thuật
- 5 Vai trò của phân tích kỹ thuật
- 6 Biến động giá, kháng cự và hỗ trợ
- 7 Phân loại các biện pháp phân tích kỹ thuật
- 8 Phân kì là gì?
- 9 Siêu mua là gì? Siêu bán là gì?
- 10 Ưu nhược điểm của phân tích kỹ thuật
Các trường phái đầu tư chứng khoán
Hệ tâm linh
Bạn mua theo bản năng chả căn cứ vào cái gì. Ai cứ lên mạng xã hội facebook, các room zalo, các diễn đàn nghe những người khác hô hào, chim lợn để mua bán một cổ phiếu nào đó mà chẳng cần quan tâm đến yếu tố cơ bản của cổ phiếu, hay các yếu tố kỹ thuật của cổ phiếu có ở trong vùng giá nên tham gia mua vào hay không. Bạn mua bán đơn giản hi vọng là mình gặp may mắn và ăn hên vậy thôi.
Đa phần những người thiếu kinh nghiệm, các nhà đầu tư F0 đều thuộc dạng này. Đa phần những người đầu tư hệ tâm linh đều là những người thua lỗ và mất tiền.
Theo tin
Một số người hay chơi chứng khoán hay rỉ tai nhau tin nội bộ, cổ phiếu này có game này game nọ, hay đọc báo thấy viết tin rất tốt về một cổ phần sắp tăng vốn, sắp nhận dự án mới … bla bla … Thực tế tin tức chỉ thực sự có giá trị khi:
- Tin đó phải là tin chính xác
- Bạn phải là người nắm tin tức sớm nhất hoặc trong top những người sớm nhất
Nếu không:
- Bạn sẽ bị lùa gà vào những tin vịt, rumor không xác thực
- Hoặc nếu tin đến tai bạn đã qua quá nhiều người trước đó, giá cổ phần có thể đã tăng quá cao so với thời điểm tin mới có. Lúc này nếu mua vào bạn có thể bị đu đỉnh
Theo phân tích cơ bản chứng khoán
Phân tích cơ bản là phân tích những yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, những yếu tố từ vĩ mô đến vi mô ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và giá trị cổ phiếu. Xác định giá trị thực cổ phiếu từ đó đánh giá cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, phân tích cơ bản có những nhược điểm sau:
- Những con số trong các báo cáo tài chính thường là các báo cáo về thời gian đã qua của doanh nghiệp, nhiều khi không phản ánh thực tại hoạt động doanh nghiệp
- Không tối ưu được thời gian nắm giữ cổ phiếu, bạn có thể phải nắm giữ cổ phiếu rất lâu, nhiều năm trời trước khi giá cổ phiếu tiến đến giá trị thực của nó
- Không tối ưu được thời điểm mua vào và bán ra cổ phiếu cũng như giá mua vào và giá bán ra cổ phiếu đó
- Không phù hợp với những nhà đầu cơ ngắn hạn
Theo phân tích kỹ thuật chứng khoán
Phân tích kỹ thuật giúp hạn chế những nhược điểm của phân tích kỹ thuật như:
- Tối ưu thời điểm mua vào và thời điểm bán ra cổ phiếu
- Tối ưu giá mua vào và giá bán ra
- Tối ưu thời gian nắm giữ cổ phiếu
- Đôi khi người sử dụng phân tích kỹ thuật còn chẳng cần quan tâm đến yếu tố cơ bản của doanh nghiệp
Cụ thể về phân tích kỹ thuật mình sẽ nói rõ chi tiết trong những phần tiếp theo của bài viết này.
Sử dụng cố vấn đầu tư
Nếu bạn không có nhiều thời gian nghiên cứu cổ phiếu, không thông hiểu phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật, không phải người nội bộ doanh nghiệp nhưng bạn có nhiều vốn để đầu tư. Thì sử dụng cố vấn đầu tư là phương án hiệu quả nhất. Nếu có được cố vấn đầu tư tốt sẽ giải quyết cho bạn các vấn đề sau:
- Bạn được giải phóng bản thân khỏi bảng giá để tập trung thời gian và tâm huyết vào công việc và gia đình của bạn
- Bạn có người giỏi phân tích cơ bản doanh nghiệp tốt giúp
- Bạn có người giỏi để canh điểm mua vào, bán ra giúp mình
- Tối ưu lợi nhuận và thời gian, giải phóng sức lao động
Nhưng làm thế nào để có cố vấn đầu tư tốt?
- Cố vấn đầu tư có thể là người có kinh nghiệm chơi chứng khoán lâu năm và thành công
- Là những CTV, broker giỏi ở các công ty chứng khoán
Nếu bạn có một người bạn có kinh nghiệm chơi chứng khoán lâu năm và thành công thì chúc mừng bạn, bạn có thể nhờ bạn của mình tư vấn. CTV/Broker thực tế khó tìm người giỏi, nhất là hiện nay đâu đâu cũng thấy broker, các chuyên gia trên mạng xã hội tư vấn là giám đốc này, trưởng phòng nọ, khoe khoang thành tích này nọ. Rất nhiều kẻ mạo danh, không có tâm, copy, chụp choẹt hình ở chỗ khác để dẫn dụ khách hàng bằng mọi cách … Nhiều người trong số họ có khi còn chẳng có kinh nghiệm và kiến thức đầu tư, tự chơi cho mình toàn lỗ thì làm sao mà tư vấn khách hàng được.
Phân tích kỹ thuật là gì?
Phân tích kỹ thuật (tiếng anh là Technical analysis, viết tắt là TA) là sử dụng các mô hình toán học như xác xuất thống kê, các dạng đồ thị, các chỉ báo kỹ thuật … dựa vào dữ liệu về giá và khối lượng trong quá khứ và hiện tại để dự đoán sự vận động về giá trong tương lai, xem xu hướng giá đang là đi lên (up trend) hay đi xuống (down trend), hay là dao động dập dềnh. Dữ liệu về giá bao gồm sự liên kết của giá cao nhất, giá thấp nhất, giá mở cửa, giá đóng cửa trên một khung thời gian nhất định (phút, giờ, ngày, tuần, tháng …)
Phân tích kỹ thuật có thể áp rụng rộng rãi trong giao dịch chứng khoán, giao dịch hàng hoá (vàng, dầu, gạo, café …), tiền tệ, forex, coins, …
Nhà phân tích kỹ thuật chứng khoán chủ yếu sử dụng các loại biểu đồ và các chỉ báo kỹ thuật để phân tích vị trí, xu hướng, hỗ trợ kháng cự của cổ phiếu chứ không quan tâm đến tình hình tài chính và hoạt động của công ty.
Triết lí của phân tích kỹ thuật
3 tiền đề tạo nên cơ sở của phương pháp phân tích kỹ thuật như sau:
- Biến động thị trường phản ánh tất cả: biến động thị trường bao gồm khối lượng giao dịch, biến động giá, số lượng hợp đồng …
- Các chuyên gia ptkt cho rằng mọi yếu tố từ tình hình chính trị, kinh tế, số liệu việc làm, tâm lí, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, … đều phản ánh vào giá. Tất cả các yếu tố đó tác động đến cung cầu, khi cung tăng cầu giảm thì giá giảm, khi cung giảm cầu mạnh thì giá tăng. Bản thân ptkt không khiến cho thị trường tang hay giảm mà đồ thị nó phản ánh cung cầu của thị trường
- Giá dịch chuyển theo xu hướng:
- Ptkt cho rằng một xu hướng hiện tại (tăng hoặc giảm) sẽ tiếp tục được tiếp diễn cho đến khi có dấu hiệu dừng lại hoặc đảo chiều. Việc ptkt nhằm mục đích xác định xu hướng hiện tại của đường giá từ đó quyết định việc mua bán.
- Lịch sử luôn lặp lại:
- Các nhà ptkt nghiên cứu biến động của thị trường thì luôn có liên quan mật thiết tới nghiên cứu tâm lí con người. Tâm lí của con người thì thường nó có tính chu kỳ, đi theo xu hướng tang hoặc giảm. Và các mô hình giá đã hoạt động tốt trong quá khứ thường hay lặp lại trong hiện tại và tương lai.
Các thuộc tính và tính chất của phân tích kỹ thuật
4 thuộc tính và tính chất cơ bản của phân tích kỹ thuật:
- Số phiên tính toán: là số phiên lấy dữ liệu để tính toán cho một giá trị phân tích. Ví dụ như: trung bình động của 10 ngày, thì lấy giá đóng cửa của 10 phiên làm dữ liệu tính toán giá trị của trung bình động 10 ngày. Nhà đầu tư càng ngắn hạn thì số phiên tính toán càng ngắn.
- Độ trễ: là khoảng thời gian thị trường đã trải qua cho đến khi giá trị phân tích được tính toán xong. Trong cùng một phép phân tích, độ trễ càng lớn khi số phiên tính toán càng lớn. Nhà đầu tư càng ngắn hạn thì càng muốn độ trễ nhỏ.
- Độ nhạy: là sự kịp thời trong phản ảnh biến động thị trường của phép phân tích. Tính chất này đối nghịch với độ trễ.
- Độ chính xác: là sự chính xác trong phản ánh biến động của thị trường của phép phân tích. Tính chất này lại đối nghịch với độ nhạy. Độ nhạy càng cao thì độ chính xác càng thấp và ngược lại.
Vai trò của phân tích kỹ thuật
Phân tích kỹ thuật có 3 vai trò chính như sau:
- Báo động: ptkt cảnh báo nhà đầu tư khi giá xuyên phá các ngưỡng cản (ngưỡng hỗ trợ và kháng cự) để thiết lập nền giá mới hay các ngưỡng cản mới thay vì chỉ dao động quanh vùng giá cũ. Từ đó giúp nhà đầu tư quyết định việc mua và bán.
- Xác nhận: ptkt giúp nhà đầu tư xác nhận xu thế của đường giá là đang tăng hay giảm, hay là đang dao động dập dềnh.
- Dự đoán: ptkt giúp nhà đầu tư dự đoán giá cả tương lai. Việc dự đoán này có thể là dự đoán giá sẽ tăng/giảm đến đâu, xu hướng tiếp theo sẽ là như thế nào? … Tất nhiên dự đoán luôn đi kèm với xác xuất sai. Và bạn phải luôn đề phòng xác xuất dự đoán bị sai và chấp nhận rủi ro trong trường hợp này.
Biến động giá, kháng cự và hỗ trợ
Biến động giá là kết quả của quy luật cung cầu. Bên cung (bán) sẽ đì giá xuống và bên cầu (mua) có xu hướng nâng giá lên. Xu hướng của đường giá cho biết bên nào đang chiếm ưu thế.
- Tại ngưỡng hỗ trợ:
- Phe bán (lực cung) trở nên yếu ớt vì không sẵn sàng bán với giá thấp
- Phe mua (lực cầu) trở nên mạnh mẽ với kỳ vọng giá sẽ tăng, khiến giá khó lòng mà thấp hơn giá này
- Ngược lại là ngưỡng kháng cự:
- Phe mua (lực cầu) trở nên yếu ớt vì không sẵn sàng mua với giá cao
- Phe bán (lực cung) trở nên mạnh mẽ vì kỳ vọng giá sẽ giảm khi đến vùng giá này khiến giá khó lòng tăng vượt quá ngưỡng này
Tuy nhiên kỳ vọng của nhà đầu tư luôn thay đổi theo thời gian (do các yếu tố thị trường thay đổi, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp thay đổi …), dẫn đến các ngưỡng kháng cự và hỗ trợ cũ có thể bị xuyên phá tạo nên nền giá mới với các ngưỡng hộ trợ và kháng cự mới.
Phân loại các biện pháp phân tích kỹ thuật
Phân tích tương quan (Leading Indicators)
Các phương pháp phân tích tương quan chỉ ra tương quan sức mạnh giữa phe mua và phe bán. Phe mua càng mạnh thì chỉ số phân tích tương quan càng cao. Và ngược lại, phe bán càng mạnh thì chỉ số phân tích tương quan càng thấp. Từ đó chúng ta nhìn ra được hiện tại phe nào đang thắng thế, xu thế đang tiếp diễn thế nào.
Các chỉ số phân tích tương quan tiêu biểu: RSI, ADX, Parabolic SAR …
Phân tích xu thế (Lagging Indicators)
Các phương pháp phân tích xu thế chỉ ra biến động của thị trường đang trong một xu thế tăng giá, giảm giá hay đang biến động dập dềnh. Để phân tích xu thế không thể xác định bằng một giá trị của chỉ số, mà phải bằng một tập giá trị của chỉ số này trong quá khứ và hiện tại. Vì vậy phương pháp này thường có tính trễ. Có nghĩa là để xác định được xu thế của đường giá là tăng hay giảm thì thực tế xu thế đó đã và đang xảy ra rồi. Tính chính xác của phân tích xu thế thường bị mất tác dụng vào thời điểm thị trường biến động dập dềnh. Phân tích xu thế không dự báo điểm mua và điểm bán nhưng giúp xác nhận tính đúng đắn trong quyết định mua/bán của nhà đầu tư.
Các chỉ số phân tích xu thế tiêu biểu như: Các đường MA, MACD, đường trend line/kênh xu thế, …
Kết hợp phân tích tương quan và phân tích xu thế
Phân tích tương quan thông báo những tín hiệu cảnh báo mua/bán sớm cho nhà đầu tư. Nhưng phân tích xu thế giúp xác nhận tính đúng đắn của quyết định mua bán đó. Vì vậy cần kết hợp 2 phương pháp phân tích sẽ giúp tối ưu tính chính xác trong quyết định mua bán, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.
Phân kì là gì?
Phân kỳ có vai trò cảnh báo sự thay đổi xu thế, từ đó phát sinh các tín hiệu mua bán. Có 2 loại phân kỳ:
Phân kỳ dương
Khi giá giảm nhưng chỉ số phân tích (RSI, MACD) lại tăng, hoặc tỉ lệ tăng của chỉ số cao hơn tỉ lệ tăng của giá, hoặc tỉ lệ giảm của chỉ số thấp hơn tỉ lệ giảm của giá. Phân kì dương thường thông báo khả năng về sự dừng lại của xu thế giảm giá. Sau đấy đường giá có thể chuyển sang sideway dập dềnh hoặc quay đầu tăng giá.
Phân kỳ âm
Khi giá tăng nhưng chỉ số phân tích (RSI, MACD) lại giảm, hoặc tỉ lệ tăng của giá cao hơn tỉ lệ tăng của chỉ số, hoặc tỉ lệ giảm của giá thấp hơn tỉ lệ giảm của chỉ số. Phân kỳ âm thường thông báo khả năng về sự dừng lại của xu thế tăng giá. Sau đấy đường giá có thể chuyển sang sideway dập dềnh hoặc quay đầu giảm giá.
Khi xảy ra phân kỳ, thì không có nghĩa là sự thay đổi xu thế có thể diễn ra ngay, mà xác xuất thay đổi xu thế nó cao hơn. Vì vậy phải kết hợp nhiều chỉ báo với nhau mới xác nhận được sự thay đổi xu thế chính xác.
Siêu mua là gì? Siêu bán là gì?
Siêu mua (hay vùng quá mua) là vùng mà phe mua thắng áp đảo phe bán. Giá trong vùng này thường đã tăng một đoạn khá mạnh phía trước rồi, và thường tăng rất nhanh. Đây là vùng mà nhà đầu tư không nên tham gia mua vì rủi ro giá đảo chiều giảm rất cao.
Ngược lại với siêu mua là siêu bán (hay vùng quá bán) là vùng mà phe bán thắng áp đảo phe mua. Giá trong vùng này thường đã giảm một đoạn khá mạnh phía trước rồi, giá thường biến động giảm rất nhanh trong vùng này.
Ưu nhược điểm của phân tích kỹ thuật
Ưu điểm
- Xác định được thời điểm mua vào và bán ra. Một số nhà đầu tư có thể dùng phân tích cơ bản để quyết định mua gì và phân tích kỹ thuật để xác điểm mua vào.
- Di chuyển của đường giá thường đi trước phân tích cơ bản, nên sẽ cho ta xác định được thời điểm mua vào bán ra sớm hơn. Cũng như dự đoán được xu thế của đường giá trong tương lai.
- Phân tích kỹ thuật cho chúng ta biết được những điểm hỗ trợ và kháng cự, có tác dụng cảnh báo thời điểm chúng ta cần lưu ý để đưa ra quyết định mua/bán
Nhược điểm
- Phân tích kỹ thuật nó là xác xuất, và xác xuất thì có sự sai số, và khả năng dự đoán sai. Và chúng ta cũng cần chấp nhận rủi ro trong trường hợp bị sai.
- Phân tích kỹ thuật có tính chủ quan vì những ý kiến cá nhân của nhà phân tích có khả năng bị phản ánh vào phân tích. Chẳng hạn một nhà đầu tư đã bán hết hàng có thể phân tích theo hướng là thị trường đang giảm, hoặc nhà đầu tư đang cầm hàng có thể phân tích theo hướng thị trường đang tăng.
- Mặc dù dựa vào các con số và tiêu chuẩn đánh giá, nhưng hai nhà phân tích kỹ thuật có thể đưa ra 2 kịch bản thị trường khác nhau dựa vào cách đánh giá các mức hỗ trợ kháng cự khác nhau, hay dựa vào các chỉ số phân tích khác nhau.
Phân tích kỹ thuật nó là nghệ thuật nhiều hơn là khoa học, vì đơn giản để phân tích kỹ thuật tốt, bạn không chỉ phải có kiến thức nền tảng về phân tích kỹ thuật tốt, mà bạn còn cần phải có tâm lí đầu tư tốt, kinh nghiệm đầu tư nhiều, cũng như sự cảm nhận thị trường nhạy bén, kết hợp với sự am hiểu tâm lí thị trường, cùng tầm nhìn xa trông rộng.