Kinh nghiệm chơi chứng khoán – Đầu tư hay đầu cơ?

Bài viết này, tôi sẽ chia sẻ một trong những kinh nghiệm chơi chứng khoán của mình. Đó là định vị được bản thân là một nhà đầu tư chứng khoán hay đầu cơ chứng khoán? Tại sao lại phải xác định được mình là nhà đầu tư hay đầu cơ chứng khoán? Vì điều này nó sẽ xác định được khẩu vị rủi ro của bạn khi chơi chứng khoán. Xác định được target và hành động của bạn khi giao dịch. Qua đó giúp bạn giao dịch hiệu quả hơn và tránh những tổn thất không đáng có trong đầu tư/đầu cơ chứng khoán.

Kinh nghiệm chơi chứng khoán: đầu cơ hay đầu tư?
Kinh nghiệm chơi chứng khoán: đầu cơ hay đầu tư?

Nhà đầu tư là gì?

Khi nghĩ đến nhà đầu tư chứng khoán nổi tiếng, bạn sẽ nghĩ ngay đến tượng đài “bốc phét” (Warren Buffett – Nhà hiền triết vùng Omaha) đúng không? Nhà đầu tư thực sự, họ không quan tâm đến ngày mai thị trường chứng khoán đóng cửa hay mở cửa, ngày mai giá cổ phiếu tăng hay giảm. Họ chỉ quan tâm đến liệu doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt hay không? Xem liệu doanh nghiệp có mang lại lợi tức lâu dài cho họ trong tương lai hay không?

Nhà đầu tư, trước khi mua cổ phiếu một công ty, họ sẽ phân tích kỹ lưỡng giá trị nội tại của nó. Xem doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tốt hay không? Xem lãnh đạo công ty có phải là những người tài năng và minh bạch hay không? Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp so với các đối thủ? Tiềm năng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai? Lợi nhuận và doanh thu có tăng trưởng hay không? … Sau khi họ phân tích kỹ lưỡng doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ mua cổ phiếu khi thị giá của nó đang thấp hơn giá trị nội tại của doanh nghiệp.

Nhà đầu tư kiếm lợi nhuận trong dài hạn bằng cổ tức, bằng quyền tham gia vào kiểm soát doanh nghiệp. Và quan trọng nhất là họ biết được họ đã mua một tài sản với giá thấp hơn đáng kể so với giá trị thực của nó. Việc nắm giữ cổ phiếu với nhà đầu tư là dài hạn, trong nhiều năm. Họ thường chỉ bán ra cổ phiếu khi doanh nghiệp không còn đảm bảo các tiêu chí nắm giữ mà họ đưa ra.

Nhà đầu cơ là gì?

Đa phần nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán thực chất là nhà đầu cơ. Vì đơn giản họ đều cố gắng mua cổ phiếu ở một mức giá xác định. Sau đó kỳ vọng giá sẽ tăng và họ chốt lãi bằng sự chênh lệch giá. Nhiều khi họ không cần quan tâm đến giá trị nội tại của doanh nghiệp. Không cần quan tâm liệu doanh nghiệp có hoạt động tốt, hay triển vọng tương lai nó như thế nào. Việc của nhà đầu cơ là dự đoán, kỳ vọng hướng đi của giá sẽ tăng và mua vào để kiếm lời từ sự chênh lệch giá đó. Tính đầu cơ nó chỉ ở ngắn hạn, và việc nắm giữ cổ phiếu với nhà đầu cơ cũng ngắn hạn. Có thể chỉ T2+, hoặc có thể chỉ vài tháng.

Kinh nghiệm chơi chứng khoán thực chiến

Để cho các bạn biết tại sao chúng ta phải rành ròi giữa việc đầu tư và đầu cơ. Tôi sẽ kể cho các bạn biết về 2 kinh nghiệm xương máu của tôi trong việc giao dịch chứng khoán.

Khi tôi nghĩ mình là một nhà đầu tư nhưng lại hành động như một nhà đầu cơ

Mua cổ phần MSN với tâm thế là một nhà đầu tư

Ngày 6/3/2020, tôi có mua mã MSN (Mansan) với giá 53k. Lúc tôi mua MSN, tôi thực sự cố gắng suy nghĩ như một nhà đầu tư. Vì những lí do sau:

  • MSN là doanh nghiệp hàng tiêu dùng số 1 Việt Nam với dàn lãnh đạo cực kỳ tài năng với ông Nguyễn Đăng Quang đứng đầu.
  • Giá MSN đột nhiên có đợt giảm giá mạnh từ vùng 90k xuống 50k. Nguyên nhân cho sự giảm giá này là do phi vụ mua lại VinCommerce. Do VinCommerce lúc đó đang được ghi nhận lỗ cả hàng nghìn tỷ đồng. Việc sát nhập VinCommerce sẽ làm giảm lợi nhuận sau thuế của MSN, thậm chí kéo MSN bị thua lỗ.
  • Nhưng thực tế, MSN với dàn lãnh đạo tài giỏi, cùng chiến lược đúng đắn. Việc mua lại VinCommerce đó là bước đi lâu dài, nhằm mở rộng thị phần của MSN. Sự kết hơp giữ doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và chuỗi siêu thị lớn nhất cả nước sẽ giúp cho MSN đẩy mạnh đầu ra cho sản phẩm của mình. Qua đó tăng doanh thu và lợi nhuận trong tương lai lên nhiều lần. Nhờ đó củng cố lợi thế cạnh tranh, cũng như vị thế doanh nghiệp hàng tiêu dùng số 1 Việt Nam.
  • Với kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng tiêu dùng từ trước, một khi thành công cơ cấu VinCommerce, MSN sẽ chuyển biến VinComemerce từ lỗ thành hoà vốn, đến có lãi.
  • Thời điểm đó đất nước đang có dịch bệnh Covid, mọi hoạt động kinh doanh dường như đình trệ. Nhưng MSN vẫn được hưởng lợi vì sản phẩm của MSN đều là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như mỳ tôm, nước mắm, nước tương … Mà càng dịch, người dân lại càng ăn mỳ tôm nhiều hơn thì phải.
  • Tất cả những điều trên sẽ hứa hẹn một tương lai bùng nổ của MSN, khi thị giá của MSN không phản ánh đúng tiềm năng của doanh nghiệp vào thời điểm tôi mua vào cổ phiếu.

Bán ra MSN với tâm thế của một nhà đầu cơ

Khi giá cổ phiếu MSN đang tăng lên từ vùng giá đáy. Bỗng nhiên biến cố xảy ra vào ngày 11/06/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam có một phiên giảm giá cực mạnh, giảm tới 32 điểm. Không chịu được nổi nhiệt của việc giảm giá MSN quá sốc, tôi bán MSN ra ngay phiên đó với giá 57.8k để bảo toàn lãi. Thậm chí sau đó còn tự khen mình giỏi khi giá MSN có lúc giảm còn có 48k. Nhưng sau đó tôi phải thực sự hối tiếc. Khi hoạt động cơ cấu lại VinCommerce thành công như chính tôi dự tính lúc đầu, giá MSN đã tăng cực kỳ mạnh mẽ từ vùng giá 53k lên tới 113k, và ổn định ở vùng xung quanh 106k như hiện nay.

Khi tôi nghĩ mình là một nhà đầu cơ nhưng lại hành động như một nhà đầu tư

Mua TAR với tâm thế của một nhà đầu cơ

Ngày 8/12/2020, tôi mua mã cp TAR (CTCP nông nghiệp công nghệ cao Trung An) với giá 20.5 khi phát hiện có sóng ngành nông nghiệp. Xác định mua cổ phần lướt ngắn hạn. Kỳ vọng giá lên 30k mới chốt.

Chần chừ bán TAR khi có giá 25k vì bị tâm lí đầu tư lấn át

TAR tăng giá đúng như kỳ vọng nhưng mãi không vượt nổi vùng giá 25.x. Tôi chần chứ chốt lãi TAR ở vùng giá này vì xem rất kỹ báo cáo tài chính các quý của TAR. Nhận thấy TAR là doanh nghiệp hiếm hoi có sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đều đặn qua các năm. Đặc biệt năm 2020 lại còn có sự tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu vượt bậc. Tôi tính toán giá trị hợp lý của TAR nó phải trên 30k nên vẫn đợi.

Nhưng vào ngày 19/01/2021, thị trường lại một lần nữa sụp đổ với phiên giảm điểm kỷ lục 60.94p. Tôi vẫn chần chừ không bán TAR và hi vọng nó hồi phục. Và rồi thị trường tiếp tục kế tiếp bằng những phiên giảm điểm sâu, giá TAR nằm sằn liên tục. Đến khi không thể chịu được nhiệt, tôi đành ngậm ngùi cutloss TAR.

Như vậy từ lãi 25% không bán, tôi lại bị thâm vốn vì sai lầm đáng trách là không rạch ròi giữa đầu tư và đầu cơ.

Kinh nghiệm chơi chứng khoán: Bài học rút ra là gì?

Qua hai bài học trên tôi rút ra được rằng:

  • Bạn phải xác định rõ tâm thế đầu tư của  mình là nhà đầu cơ hay nhà đầu tư. Và cần tuân thủ nguyên tắc của cuộc chơi một cách kỷ luật, không dựa trên cảm xúc mà phải lí tính.
  • Nếu bạn là nhà đầu tư: thì phải hành động như một nhà đầu tư, phân tích rõ nội tại doanh nghiệp, mua cổ phần với giá hợp lí, và không quan tâm đến biến động ngắn hạn của giá cổ phiếu.
  • Nếu bạn là nhà đầu cơ: thì phải hành động nhanh gọn và dứt khoát. Mua bán dứt khoát. Phân tích đường giá, xác định đúng vị trí, xu hướng, mức cản của cổ phiếu. Xác định được đúng điểm mua vào thì vào dứt khoát. Khi xác định có dấu hiệu đảo chiều xu hướng thì bán ra dứt khoát. Chấp nhận cutloss từ 5-10% nếu như dự đoán sai. Và khi cutloss cũng phải dứt khoát. Mọi thứ phải hành động lạnh lùng và kỉ luật, không được để cảm xúc chen ngang.

Để được hướng dẫn tạo tài khoản chứng khoán online và tư vấn chứng khoán miễn phí, hãy liên hệ với tôi qua:

Xem thêm:

Hướng dẫn cách mở tài khoản chứng khoán online miễn phí

Hướng dẫn cách nộp tiền vào tài khoản chứng khoán VPS

Hướng dẫn cách chơi chứng khoán cho người mới bắt đầu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyển lên trên