Bài viết này sẽ trình bày về biểu đồ kỹ thuật chứng khoán và các mô hình nến nhật đảo chiều. Biểu đồ kỹ thuật chứng khoán hay đồ thị nến được sử dụng để phân tích sự vận động của đường giá. Trong phân tích kỹ thuật, thường kết hợp đồ thị nến với khối lượng giao dịch (volume), cùng các chỉ báo kỹ thuật để xác định điểm mua, điểm bán của cổ phiếu, giao dịch hàng hoá, forex hoặc tiền mã hoá …
Mục lục
- 1 Những thành phần của giá
- 2 Các dạng biểu đồ kỹ thuật chứng khoán
- 3 Các mô hình nến nhật đơn (Single patterns)
- 4 Khoảng trống (Gap)
- 5 Các mô hình nến nhật đảo chiều (2 nến và 3 nến)
- 6 Tổng hợp các mô hình nến nhật đảo chiều
Những thành phần của giá
Thành phần của giá trong một kỳ đánh giá (biểu đồ phút (m), giờ (h), ngày dao dịch (d), tuần (w), tháng (month), quý (q), năm (y)) bao gồm:
- Giá mở cửa: là mức giá giao dịch đầu tiên của kỳ đánh giá
- Giá đóng cửa: là mức giá giao dịch cuối cùng của kỳ đánh giá
- Giá cao nhất: là mức giá cao nhất trong kỳ đánh giá
- Giá thấp nhất: là mức giá thấp nhất trong kỳ đánh giá
Các dạng biểu đồ kỹ thuật chứng khoán
Biểu đồ dạng đường (line chart)
Biểu đồ dạng đường là một đồ thị nối các điểm đóng cửa của chu kỳ đánh giá tạo thành một đường liền thể hiện sự vận động và xu hướng của đường giá. Thông thường, đồ thị dạng đường ít khi được sử dụng.
Biểu đồ dạng then chắn (bar chart)
Biểu đồ dạng then chắn là đồ thị của các then chắn (bar) với mỗi then chắn biểu diễn giá của một kỳ đánh giá (phút (m), giờ (h), ngày (d), tuần (w), tháng (month), quý (q), year(y)). Cách đọc then chắn như sau:
- Giá cao nhất: là đỉnh của của then chắn
- Giá thấp nhất: là đáy của then chắn
- Giá mở cửa: là đường ngang nhỏ bên trái
- Giá đóng cửa: là đường ngang nhỏ bên phải
Nếu then chắn màu xanh, có nghĩa là giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa (nến tăng)
Nếu then chắn màu đỏ, có nghĩa là giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa (nến giảm)
Biểu đồ dạng này thường được các nhà phân tích kỹ thuật sử dụng thường xuyên trên thị trường chứng khoán, ngoại hối, tiền mã hoá, …
Biểu đồ nến nhật (candlestick chart)
Biểu đồ nến nhật là một dạng cải tiến của biểu đồ then chắn. Trong đó then chắn (bar) được thay thế bởi nến nhật. Có 2 loại nến, là nến tăng và nến giảm:
- Nến tăng: thân nến thường màu xanh (hoặc màu trắng và nến rỗng), có giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa
- Nến giảm: thân nến thường màu đỏ (hoặc thên nến đặc và màu đen), có giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa
- Bóng trên (râu nến trên): thể hiện giá cao nhất trong kỳ đánh giá
- Bóng dưới (râu nến dưới): thể hiện giá thấp nhất trong kỳ đánh giá
Biểu đồ nến nhật dễ sử dụng, dễ quan sát hơn đối với người mới học phân tích kỹ thuật. Vì vậy đây là dạng biểu đồ kỹ thuật chứng khoán thường được sử dụng nhất.
Các mô hình nến nhật đơn (Single patterns)
Mẫu nến Hammer – Cây búa
Đây là một mẫu nến thường xuất hiện tại đáy của một xu hướng giảm giá. Báo hiệu sự đảo chiều tăng giá.
Mẫu nến hammer là nến có đặc điểm:
- Giá đóng cửa và mở cửa gần bằng nhau, nên thân nến nhỏ
- Giá cao nhất tương đương với giá mở cửa/đóng cửa, râu nến trên không có hoặc rất ngắn
- Bóng nến dưới rất dài, thưởng gấp hơn 2 lần thân nến.
Trong quá trình giảm giá, nếu gặp mẫu hình nến này thì thị trường manh nha xuất hiện lực cầu từ vùng giá thấp, đẩy giá đóng cửa lên cao gần bằng giá mở cửa. Báo hiệu tín hiệu đảo chiều xu hướng. Nếu giá đóng cửa lớn hơn giá mở cửa thì báo hiệu xu hướng đảo chiều mạnh hơn.
Mẫu nến Hanging Man – Người đàn ông treo cổ
Đây là mẫu nến thường xuất hiện tại đỉnh của một xu hướng tăng giá. Báo hiệu sự đảo chiều giảm giá.
Mẫu nến này giống hệt mẫu nến hammer, chỉ khác nhau ở vị trí. Tức là trong quá trình tăng giá, nếu gặp mẫu nến hanging man thì thị trường manh nha xuất hiện lực cung mạnh đẩy giá giảm mạnh trong phiên. Tuy nhiên cuối phiên lực cầu đẩy giá đóng cửa gần với giá mở cửa. Nếu giá đóng cửa bé hơn giá mở cửa thì sự báo hiệu đảo chiều xu hướng nó mạnh hơn.
Mẫu nến Shooting Star – Sao băng
Đây là mẫu nến thường xuất hiện tại đỉnh của một xu hướng tăng giá. Báo hiệu đảo chiều giảm giá.
Mẫu nến này có đặc điểm:
- Giá đóng cửa và giá mở cửa gần bằng nhau, thân nến nhỏ
- Giá thấp nhất gần bằng giá đóng cửa/mở cửa, bóng nến dưới không có hoặc rất bé
- Bóng nến trên rất dài, thường gấp hơn 2 lần thân nến
Trong quá trình tăng giá, lực cầu đẩy giá lên cao trong phiên, nhưng sau đó xuất hiện lực cung mạnh đã đẩy giá đóng cửa gần bằng giá mở cửa. Nếu giá đóng cửa bé hơn giá mở cửa cho tín hiệu đảo chiều mạnh hơn.
Mẫu nến Inverted Hammer
Đây là mẫu nến thường xuất hiện tại đáy của một xu hướng giảm giá. Báo hiệu tín hiệu đảo chiều tăng giá.
Đây là mẫu nến giống hệt shooting star, nhưng khác nhau về vị trí. Tức là trong quá trình giảm giá, giá giảm mạnh ngay khi mở cửa, nhưng sau đó xuất hiện lực cầu mạnh đẩy giá lên cao. Nhưng cuối phiên lực cung đẩy giá về gần giá mở cửa. Nếu giá đóng cửa lớn hơn giá mở cửa thì tín hiệu đảo chiều mạnh hơn.
Mẫu nến Doji
Đây là mẫu nến thể hiện sự lưỡng lự và do dự giữa bên mua và bên bán.
Mẫu nến này có đặc điểm:
- Giá mở cửa và giá đóng cửa xấp xỉ như nhau. Nên thân nến gần như không có hoặc rất bé
- Bóng nến trên và bóng nến dưới gần bằng nhau
Nếu bóng nến trên và bóng nến dưới dài thì gọi là nến doji chân dài. Nến doji thể hiện cho sự lưỡng lự, giằng co giữa bên mua và bên bán. Không bên nào thắng bên nào. Nên nó thường manh nha báo hiệu xu hướng đảo chiều. Nếu trong 1 quá trình tăng giá, gặp cây doji này, tiếp theo đó là một cây nến đỏ có thể báo hiệu xu hướng đảo chiều giảm giá mạnh. Ngược lại, trong quá trình giảm giá, nếu gặp nến doji, tiếp sau đó là một cây nến xanh tăng giá thì báo hiệu xu hướng đảo chiều tăng giá mạnh.
Mẫu nến Dragonfly Doji – Rồng bay doji
Đây là mẫu nến báo hiệu tín hiệu đảo chiều, xảy ra ở đáy của một xu hướng giảm giá.
Mẫu nến này có đặc điểm:
- Giá mở cửa và giá đóng cửa xấp xỉ như nhau và bằng giá cao nhất.
- Bóng nến dưới rất dài
Nếu trong một xu hướng giảm giá, trong phiên lực cung mạnh đẩy giá xuống dưới thấp. Sau đó xuất hiện lực cầu mạnh đẩy giá lên cao đẩy ngược giá lên bằng giá mở cửa. Nó báo hiệu tín hiệu đảo chiều tăng giá mạnh.
Trong một xu thế tăng, mẫu nến này cũng hay xuất hiện. Đặc biệt là đối với các mã penny, thường là những mã tăng kịch trần trong phiên.
Mẫu nến Gravestone Doji – Mẫu bia mộ doji
Mẫu nến này thường xuất hiện tại đỉnh của một xu hướng tăng giá. Báo hiệu tín hiệu đảo chiều giảm giá.
Mẫu nến này có đặc điểm:
- Giá thấp nhất, giá mở cửa và đóng cửa xấp xỉ như nhau
- Bóng nến trên rất dài
Nếu trong một xu hướng tăng giá, lực cầu đẩy giá lên rất cao thì bỗng xuất hiện lực cung mạnh đẩy giá đóng cửa bằng giá mở cửa. Nó báo hiệu xu hướng đảo chiều giảm giá mạnh.
Khoảng trống (Gap)
Khoảng trống được định nghĩa như sau: khoảng trống sảy ra khi giá mở cửa của ngày hôm sau không trùng với giá đóng của ngày hôm trước, và không có khối lượng giao dịch giữa vùng giá cách biệt này.
Gap up: (khoảng trống tăng giá)sảy ra khi giá mở cửa của ngày thứ hai cao hơn giá đóng cửa của ngày thứ nhất.
Gap down:(khoảng trống giảm giá) sảy ra khi giá mở cửa của ngày thứ hai thấp hơn giá đóng cửa của ngày thứ nhất
Khoảng trống có tính chất sau:
- Tính hỗ trợ: khi đường giá tạo ra một khoảng trống tăng giá, thì khoảng trống này có tính hỗ trợ trong tương lai lâu dài và bền vững
- Tính kháng cự: khi đường giá tạo ra một khoảng trống giảm giá, thì khoảng trống này có tính kháng cự trong tương lai lâu dài và bền vững
- Đường giá thường có xu hướng sẽ lấp đầy khoảng trống trong tương lai, sau đó sẽ tiếp tục xu hướng đã tạo ra khoảng trống đó.
Các mô hình nến nhật đảo chiều (2 nến và 3 nến)
Tín hiệu tăng Engulfing – Bullish Engulfing
Tổ hợp nến này xuất hiện trong xu hướng giảm giá, sẽ báo hiệu tín hiệu đảo chiều tăng giá.
Tổ hợp nến gồm 2 cây nến:
- Cây nến thứ nhất là nến giảm màu đỏ
- Nến thứ hai: giá mở cửa tạo gap giảm, sau đó tăng giá ngược trở lại, lấp gap và tạo giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa của nến trước đó
Nếu trong một xu thế giảm giá, xuất hiện tổ hợp nến này báo hiệu lực giảm giá đã cạn, lực cầu tăng mạnh. Báo hiệu tín hiệu đảo chiều tăng giá.
Tín hiệu xuống Engulfing – Bearish Engulfing
Nếu tổ hợp nến này xuất hiện trong một xu hướng tăng giá, báo hiệu tín hiệu đảo chiều xu hướng giảm.
Tổ hợp nến gồm 2 cây nến:
- Nến thứ nhất là nến tăng giá màu xanh
- Nến thứ hai xuất hiện gap tăng, sau đó lực bán mạnh dần lấp gap và đẩy giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa của nến thứ nhất.
Nếu trong một quá trình tăng giá, xuất hiện tổ hợp nến này báo hiệu lực cầu đã cạn, lực cung mạnh dần. Báo hiệu tín hiệu đảo chiều giảm.
Đường xuyên phá – Piercing Line
Mẫu nến này xuất hiện trong một xu thế đi xuống, báo hiệu tín hiệu đảo chiều tăng.
Mẫu nến này gồm 2 cây nến:
- Nến thứ nhất là nến giảm đỏ dài.
- Nến thứ 2 là nến tăng, có giá mở cửa tạo gap down, sau đó có lực cầu mạnh đẩy giá lên khiến giá đóng cửa cao hơn 50% thân nến giảm trước đó.
Nếu trong một xu thế giảm, xuất hiện tổ hợp nến này thì báo hiệu tín hiệu đảo chiều tăng. Nên chú ý thêm khối lượng, nếu khối lượng giao dịch của cây nến thứ 2 cao hơn thông thường thì tín hiệu đảo chiều khá tốt.
Mây đen bao phủ – Dark Cloud Cover
Mẫu nến này xuất hiện trong một xu thế tăng giá, báo hiệu đảo chiều giảm.
Mẫu nến này gồm 2 nến:
- Nến thứ nhất là nến tăng, xanh dài
- Nến thứ 2 là nến giảm, giá mở cửa tạo gap up, sau đó lực cung mạnh dần khiến giá đóng cửa thấp hơn 50% thân nến ngày trước đó.
Nếu trong một xu hướng tăng giá, xuất hiện cặp nến này, báo hiệu tín hiệu đảo chiều giảm. Kết hợp với volume của ngày thứ 2 cao hơn thông thường nữa sẽ cho tín hiệu xác nhận giảm mạnh hơn.
Mẫu Harami – Mẫu hình mẹ con
Có 2 mẫu hình harami.
Mẫu harami là mẫu mà nến thứ 2 là nến nhỏ và được bao bọc bởi nến thứ nhất là một thân nến dài. Harami là từ cổ của Nhật có nghĩa là có thai. Và nến to là nến mẹ, nến nhỏ là nến con (bào thai). Mẫu harami thường tín hiệu đảo chiều nó không mạnh như hammer, hanging man, engulfing. Nhưng nó thể hiện sự kìm hãm xu hướng trước đó, tác động vào thị trường.
Có 2 loại harami như sau:
Mẫu Bullish Harami – Mẫu Harami tăng
Nến thứ hai là một thân nến nhỏ màu xanh, nằm gọn trong thân nến của cây nến đỏ dài trước đó. Mẫu harami tăng báo hiệu sự suy giảm cường độ giảm giá của xu hướng giảm trước đó. Đã xuất hiện lực cầu và đẩy giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa trong phiên.
Mẫu Bearish Harami – Mẫu Harami giảm
Nến thứ hai là một cây nến nhỏ màu đỏ nằm gọn trong thân nến xanh dài của cây nến thứ nhất. Mẫu harami giảm báo hiệu sự suy giảm cường độ tăng giá của xu hướng tăng trước đó. Đã xuất hiện lực cung đẩy giá xuống khiến giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa trong phiên.
Mẫu Tweezer Tops và Bottoms
Mẫu tweezer top là mẫu nến xuất hiện ở đỉnh của một xu hướng tăng và báo hiệu đảo chiều giảm giá. Mẫu tweezer bottom xuất hiện ở đáy của một xu hướng giảm, báo hiệu tín hiệu đảo chiều tăng.
Mẫu Tweezer Top
Nến thứ nhất là nến tăng, nến thứ hai là nến giảm. Giá mở cửa của nến thứ hai bằng giá đóng cửa của nến thứ nhất. Giá đóng cửa của nến thứ hai tương đương giá mở cửa của nến thứ nhất.
Mẫu tweezer top thường xuất hiện tại đỉnh của một xu thế tăng, báo hiệu tín hiệu đảo chiều giảm.
Mẫu Tweezer Bottom
Nến thứ nhất là nến giảm, nến thứ hai là nến tăng. Giá mở cửa của nến thứ hai bằng giá đóng cửa của nến thứ nhất. Giá đóng cửa của nến thứ hai tương đương giá mở cửa của nến thứ nhất.
Mẫu tweezer bottom thường xuất hiện tại đáy của một xu thế giảm, báo hiệu tín hiệu đảo chiều tăng.
Mẫu Morning Star
Mẫu morning star thường xuất hiện ở đáy một xu hướng giảm giá. Báo hiệu tín hiệu đảo chiều tăng giá.
Mẫu này gồm 3 nến như sau:
- Nến thứ nhất: là nến lớn giảm giá
- Nến thứ 2: là nến nhỏ, có thể giảm hoặc tăng
- Nến thứ 3: là nến lớn tăng giá
Vào cây nến thứ nhất, xu hướng giảm giá tiếp tục rõ rệt. Một nến đỏ dài xuất hiện. Tiếp tục cây nến thứ 2, xu hướng giảm giá tiếp diễn với gap giảm, nhưng áp lực giảm đã cạn, tạo thành nến giảm nhỏ, thân nến hẹp, thường là nến doji. Cây nến thứ 3, lực cầu mạnh mẽ tạo thành gap tăng, lực cầu mạnh trong cả phiên, kết phiên lấy lại hết những mất mát giảm giá của cây nến thứ nhất.
Đây là mẫu nến báo hiệu sự đảo chiều tăng khá mạnh.
Mẫu Evening Star
Mẫu evening star thường xuất hiện tại đỉnh của một xu hướng tăng. Báo hiệu tín hiệu đảo chiều giảm.
Mẫu evening star gồm 3 nến:
- Nến thứ nhất: nến tăng xanh dài
- Nến thứ 2: nến nhỏ (có thể tăng hoặc giảm, thường là nến doji)
- Nến thứ 3: nến giảm đỏ dài
Vào cây nến thứ nhất thể hiện xu thế tăng rõ rệt là một cây nến xanh dài. Đến cây nến thứ 2, vẫn tiếp tục xu thế tăng và tạo gap tăng, nhưng lực tăng lúc này yếu rồi, tạo thành một cây nến nhỏ (thường là nến doji). Đến nến thứ 3, lực bán mạnh tạo thành gap giảm, cây nến đỏ dài xoá tan hết sức tăng của cây nến thứ nhất.
Tổ hợp nến evening star thường xuất hiện tại đỉnh của một xu thế tăng, báo hiệu tín hiệu đảo chiều giảm rất mạnh mẽ.
Tổng hợp các mô hình nến nhật đảo chiều
Các mô hình nến nhật đảo chiều tăng
Các mô hình nến nhật đảo chiều giảm
Như vậy là sau bài viết này, tôi đã trình bày những kiến thức cơ bản nhất của biểu đồ kỹ thuật chứng khoán và các mô hình nến nhật đảo chiều. Đây là bài tiếp theo sau bài tổng quan về phân tích kỹ thuật chứng khoán trong chuỗi bài về phân tích kỹ thuật của tôi. Chú ý rằng, các tín hiệu nến chỉ mang tính tham khảo, các bạn cần kết hợp thêm các mức hỗ trợ, kháng cự, đường trend line và các chỉ báo kỹ thuật khác để quyết định mua/bán nhé.
Để được tư vấn đầu tư và hỗ trợ mở tài khoản chứng khoán VPS miễn phí, xin liên hệ:
- Sđt/zalo: 0923390138
- Facebook: https://www.facebook.com/vutuan1368
- Fanpage: https://www.facebook.com/daututheoxuhuong/
- Room zalo chia sẻ chứng khoán: https://zalo.me/g/gwnjlv373
- Telegram: https://t.me/+iL81Kk5XAIFiNzk1